You are here

Gỗ mun là gỗ gì? đặc điểm và công dụng của gỗ mun?

Là loại gỗ vô cùng đặc biệt khi có màu đen tuyền, các sản phẩm làm từ gỗ mun từ lâu đã được nhiều người yêu thích và thường có giá thành rất cao trên thị trường. Vậy gỗ mun là loại gỗ gì mà đặc biệt như vậy? chúng ta cùng tìm hiểu về loại gỗ có 1 không 2 này nhé!

Gỗ mun là gì?

Gỗ mun (có tên khoa học là Diospyros) là loại gỗ có màu đen, được khai thác từ cây mun - vốn là giống cây thuộc họ Thị. Đây là loại gỗ đặc và rất nặng, chìm trong nước chính vì vậy bạn không thể để gỗ mun trôi trên sông để vận chuyển như các loại gỗ tự nhiên thông thường khác. Gỗ mun có bề mặt rất mịn đặc biệt khi đánh bóng sẽ rất sáng chính bởi vậy các sản phẩm làm từ gỗ mun thường có giá trị rất cao, cây gỗ mun hiện nay rất hiếm và đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, tại Việt Nam gỗ mun được xếp vào nhóm I các loại gỗ quý hiếm nhất.

Gỗ mun
Gỗ mun

Do gỗ mun có độ cứng và giá trị kinh tế rất cao nên thường được sử dụng để chế tác các đồ gỗ nội thất cao cấp hay đồ thủ công mỹ nghệ. Các sản phẩm chế tác từ gỗ mun có vân rất đẹp, đều và chắc chắn, độ bền lên tới hàng trăm năm.

Đặc điểm của gỗ mun

Màu đen: gỗ mun thường có màu đen, mặc dù có một số dòng mun có màu sắc đặc trưng khi mới khai thác nhưng đa phần đều chuyển thành màu đen sau thời gian dài sử dụng.

Độ cứng cao: đây là dòng gỗ có độ cứng rất cao và nặng, các sản phẩm làm từ gỗ mun vì thế cũng rất bền chắc.

Chống mối mọt: bên trong gỗ mun có chứa tinh dầu có khả năng chống mối mọt hiệu quả.

Chìm trong nước: là loại gỗ đặc biệt khi có khả năng chìm dưới nước (đa số các loại gỗ khác đều nổi).

Thớ gỗ mịn: thớ gỗ mun mịn nên dễ gia công.

Đặc điểm của gỗ mun
Gỗ mun có độ cứng cao và chìm trong nước

Các loại gỗ mun phổ biến

Tùy thuộc vào tính chất của gỗ, khu vực phân bổ mà người ta chia gỗ mun ra làm các loại khác nhau cụ thể như:

Gỗ mun sừng (hay còn gọi là mun đá): loại gỗ này được tìm thấy chủ yếu ở tỉnh Khánh Hòa. Khi mới xẻ ra bề mặt gỗ mun sừng ban đầu có màu vàng xanh, sau một thời gian sẽ chuyển thành màu đen giống màu của sừng. Các sản phẩm làm từ gỗ mun sừng khi dùng lâu thì các vân và tom gỗ sẽ dần dần mất đi thay vào đó là màu đen tuyền bóng rất huyền bí. Gỗ mun sừng thường được sử dụng để chế tác các đồ thủ công mỹ nghệ như tượng quan công, tượng tam đa hay tượng phật di lặc...

Gỗ mun sừng
Gỗ mun sừng có màu đen giống như sừng vậy

Gỗ mun đen: gỗ mun đen giống với gỗ mun sừng trong việc dùng lâu sẽ có màu đen khá tương đồng nhau. Điểm khác biệt đó là gỗ mun đen ngay khi cắt đã có màu đen tuyền bởi vậy nó sẽ sở hữu độ bóng huyền bí ngay sau khi xử lý. Gỗ mun đen thường hay bị nứt chân chim nếu gặp thời tiết khắc nghiệt hoặc quá trình xử lý không tốt.

Gỗ mun đen
Gỗ mun đen sẽ có màu đen ngay khi vừa mới cắt

Gỗ mun sọc: đây là loại gỗ hiếm nhất trong dòng gỗ mun, thường được tìm thấy ở khu vực Bình Thuận và Khánh Hòa. Đặc điểm của gỗ mun sọc là có màu xanh đen kết hợp với các sọc trắng, các đường vân chạy dọc theo vân gỗ, có màu sáng hơn so với gỗ mun đen và gỗ mun sừng.

Gỗ mun sọc
Gỗ mun sọc có các sọc xanh đen kết hợp với sọc trắng chạy dọc theo vân gỗ

Mặc dù có giá trị của gỗ mun sọc không được cao bằng gỗ mun sừng nhưng bù lại nó có vân gỗ vô cùng đẹp mắt. Gỗ mun sọc có độ dẻo và độ cứng cao, không bị mối mọt.

Gỗ mun hoa: gỗ mun hoa là dòng gỗ mun có các hoa văn màu vàng, trắng xen lẫn với màu đen rất đẹp chính bởi vậy gỗ mun hoa thường được sử dụng để chế tác thành các bộ bàn ghế, trường kỷ. Việc gia công gỗ mun hoa đòi hỏi người thợ phải có nhiều kinh nghiệm bởi đây là loại gỗ có độ cứng và độ giòn cao.

Gỗ mun hoa
Gỗ mun hoa thường được chế tác thành bàn ghế, trường kỷ

Gỗ mun Nam Phi (hay còn gọi là mun đuôi công): là loại gỗ mun nhập khẩu từ Nam Phi, có chất lượng khá kém khi bề mặt của gỗ mềm, dễ bị nứt và loại gỗ có giá trị thấp nhất. Ưu điểm của gỗ mun Nam Phi là có thớ gỗ bản to nên hay được sử dụng để làm kệ hoặc vòng đeo tay.

Gỗ mun đuôi công
Gỗ mun đuôi công có các vân gỗ rất đẹp mắt

Gỗ mun Lào: là loại gỗ được khai thác và nhập khẩu từ Lào. Đặc điểm của gỗ mun Lào là có các sọc xanh đen với vàng xen kẽ nhau, các sản phẩm làm từ gỗ mun Lào theo thời gian cũng dần bị đổi màu và trở thành màu đen giống như gỗ mun sừng.

Gỗ mun Lào
Gỗ mun Lào thường có các sọc xanh và đen xen kẽ với nhau

Gỗ mun da báo: đây là loại gỗ mun thường được khai thác trong rừng sâu, mọc trong các khu vực núi đá với số lượng rất ít. Thân gỗ của gỗ mun da báo có những viền đen xung quanh tương tự da con báo chính bởi vậy người ta mới đặt tên là gỗ mun da báo. Gỗ mun da báo có độ bền cao và khá dẻo, phù hợp để chế tác các đồ thủ công mỹ nghệ và là loại gỗ chịu được thời tiết khắc nghiệt tốt nhất trong các loại gỗ mun.

Gỗ mun da báo
Gỗ mun da báo có các vân tựa như da con báo vậy

Ứng dụng của gỗ mun

Có thể nói gỗ mun là loại gỗ có độ cứng cao, đẹp chính bởi vậy đây là loại gỗ được sử dụng nhiều để làm các đồ nội thất, thủ công mỹ nghệ và chúng thường có giá trị rất lớn. Bạn có thể bắt gặp gỗ mun ở một số sản phẩm như phản, giường, tủ, bàn ghế, tượng gỗ...