You are here
Gỗ gụ là gỗ gì? Gỗ gụ có công dụng gì?
Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người Việt Nam, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp các sản phẩm được làm từ gỗ gụ đặc biệt là sập gụ tủ chè, trường kỷ, bàn ghế... Các sản phẩm này đều có tuổi thọ rất cao hàng trăm năm thậm chí vài trăm năm, ít khi bị mối mọt. Tuy nhiên gỗ gụ là loại gỗ như thế nào, đặc tích của nó ra sao thì không phải ai cũng nắm rõ, chúng ta cùng tìm hiểu về loại gỗ đặc biệt gần gũi với người dân Việt Nam chúng ta này nhé!
Gỗ gụ là gì?
Gỗ gụ là loại gỗ khai thác từ cây gụ (có tên khoa học là Sindora tonkinensis) - một loại thực vật với thân gỗ lớn thuộc họ đậu. Tại Việt Nam người ta thường gọi tên gỗ gụ với nhiều loại tên khác nhau như gỗ gõ hương, gỗ gụ hương, gỗ gụ lau... Từ thời xa xưa gỗ gụ đã được coi là loại gỗ có giá trị cao bởi độ bền, tính thẩm mỹ của nó đồng thời nó cũng là nguyên liệu chính trong việc sản xuất các đồ gỗ mỹ nghệ, đồ nội thất, được nhiều gia đình giàu có sử dụng.
Tại Việt Nam gỗ gụ được coi là loại gỗ quý hiếm, cấm khai thác đồng thời có tên trong sách đỏ bởi nạn phá rừng khiến cho loại cây này ngoài tự nhiên trở lên rất hiếm. Nếu như ngày xưa cây gỗ gụ có thể dễ dàng bắt gặp ở trong các khu rừng thì hiện nay không còn nữa.
Ưu điểm của gỗ gụ
Là loại gỗ được đánh giá là quý hiếm và được liệt vào sách đỏ Việt Nam, chính vì vậy các sản phẩm đồ gỗ làm từ gỗ gụ luôn có giá thành cao hơn so với các loại gỗ tự nhiên thông thường khác và được rất nhiều người yêu thích. Ưu điểm chính của gỗ gụ có thể kể đến như:
- Có vân thẳng với màu sắc vô cùng nổi bật, đẹp mắt
- Đường kính thân cây thường lớn chính vì vậy gỗ gụ rất phù hợp làm các sản phẩm yêu cầu về kích thước lớn như phản, tủ, bàn ghế...
- Có bề mặt mịn, dễ đánh bóng, các sản phẩm làm từ gỗ gụ đều có tính thẩm mỹ cao.
- Độ cứng cao, so với gỗ lim thì gỗ gụ chỉ kém hơn đôi chút về độ cứng, có khả năng chống chịu ngoại lực tốt, ít bị cong vênh, ít bị mối mọt, độ bền sản phẩm từ đó cũng được tăng lên đáng kể.
Nhược điểm của gỗ gụ
- Tuổi thọ của cây lớn dẫn đến khó trồng thương mại, gỗ trong tự nhiên tại Việt Nam không còn nhiều.
- Giá thành gỗ nguyên liệu đầu vào cao dẫn tới các sản phẩm làm từ gỗ gụ thường có giá thành rất cao.
Cách nhận biệt gỗ gụ
Do gỗ gụ là loại gỗ có giá trị cao nên nhiều cơ sở kinh doanh hiện nay vì chạy theo lợi nhuận mà làm giả hoặc lồng ghép các loại gỗ khác vào sản phẩm và bảo đó là gỗ gụ. Để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng chúng ta cần dựa vào các đặc điểm sau để nhận biết đâu là gỗ gụ thật và có chất lượng tốt:
Nhận biết qua màu sắc: thông thường gỗ gụ sẽ có màu vàng khi mới xẻ ra tùy thuộc vào độ tuổi của cây gỗ, nếu cây gỗ càng già thì màu sẽ thường thiên về nâu đậm hoặc nâu đỏ. Chính đặc điểm này mang đến điểm đặc biệt của các sản phẩm gỗ gụ đó là các đồ nội thất gỗ gụ càng chơi thì tom màu gỗ càng xuống màu giúp cho sản phẩm trông càng sang trọng và quý phái.
Nhận biết qua trọng lượng: các sản phẩm làm từ gỗ gụ thường rất nặng do đây là loại gỗ có tỷ trọng lớn, cùng một kích thước nhưng gỗ gụ nặng hơn rất nhiều so với gỗ thông thường.
Nhận biết qua mùi: gỗ gụ thường có mùi hơi chua nhưng không hăng.
Để nhận biết các sản phẩm gỗ gụ một cách chính xác nhất khi mua chúng ta nên mua các sản phẩm mộc, không nên mua các sản phẩm đã trải qua công đoạn sơn hoặc đánh vecni bởi khi đó chúng ta sẽ rất khó nhận biệt đâu là gỗ gụ thật đâu là gỗ gụ giả bởi sơn và vecni sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều tới việc kiểm tra màu sắc, mùi của gỗ.
Các loại gỗ gụ hiện nay
Hiện nay do hội nhập kinh tế, việc giao thương buôn bán cũng trở lên dễ dàng hơn chính vì vậy các sản phẩm làm từ gỗ gụ tại Việt Nam rất được thị trường Trung Quốc ưa chuộng và là mặt hàng xuất khẩu chính sang thị trường này. Từ đó nhu cầu về gỗ gụ ngày càng tăng kéo theo gỗ gụ được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước khác trên thế giới khá nhiều. Gỗ gụ tại Việt Nam được phân ra các loại chính sau đây:
Gỗ gụ mật (hay còn gọi là gỗ gụ Gia Lai hoặc gỗ gụ Campuchia): loại gỗ gụ này thường được trồng phổ biến tại Gia Lai và Campuchia, là loại gỗ có chất lượng cao. Gỗ gụ mật có màu gỗ nâu đen, lúc mới xẻ ra thì thường có màu vàng nâu tuy nhiên càng dùng thì màu gỗ càng thấm. Các sản phẩm làm từ gỗ gụ mật lâu năm thường có màu thấm hơn và bóng như màu mật ong rất đẹp.
Gỗ gụ Lào: được trồng và khai thác tại Lào sau đó nhập khẩu vào Việt Nam.
Gỗ gụ ta (hay còn gọi là gỗ gụ Quảng Bình, gỗ gụ Bông lau): đây là loại gỗ được trồng phổ biến trong các khu rừng tại Việt Nam, đặc biệt là Quảng Bình tuy nhiên hiện tại loại gỗ này rất quý hiếm, rất chắc chắn, chất gỗ đẹp. Gỗ gụ ta có bề mặt mịn hơn gỗ gụ Lào và các vân gỗ cũng đẹp hơn.
Gỗ gụ Nam Phi: loại gỗ này được nhập khẩu từ Nam Phi, đây là loại gỗ có chất lượng thấp nhất trong các loại gỗ gụ và giá thành cũng vì vậy mà cũng thuộc loại rẻ nhất. Gỗ gụ Nam Phi có màu dao động từ hồng nhạt cho tới màu đỏ hơi đậm, các sản phẩm làm từ gỗ gụ Nam Phi sẽ có xu hướng đậm dần tùy thuộc vào độ tuổi của cây gỗ.
Ứng dụng của gỗ gụ
Do gỗ gụ có rất nhiều ưu điểm nên được sử dụng nhiều để làm các đồ nội thất, đồ thủ công mỹ nghệ như sập gỗ gụ, tủ chè, bàn ghế, kệ tivi...