You are here
Gỗ Plywood là gì? công dụng của gỗ Plywood?
Plywood là loại gỗ ép công nghiệp được sử dụng phổ biến để sản xuất các đồ nội thất tương tự với gỗ MDF và MFC bởi có rất nhiều ưu điểm. Các sản phẩm làm từ gỗ Plywood rất phổ biến trên thị trường và được nhiều người yêu thích sử dụng tuy nhiên không phải ai cũng biết tới dòng gỗ này. Vậy gỗ Plywood gì? ưu và nhược điểm của nó ra sao chúng ta cùng phân tích kỹ hơn trong nội dung bài viết dưới đây nhé!
Gỗ Plywood là gì?
Gỗ Plywood là loại gỗ ván ép được tạo ra từ nhiều tấm gỗ mỏng kết hợp lại với nhau, các tấm gỗ mỏng có cùng kích thước được xếp chồng lên nhau và được liên kết với nhau bằng loại keo dán chuyên dụng tạo thành tấm gỗ có độ dày lớn hơn.
Plywood là loại gỗ được sử dụng phổ biến để sản xuất đồ nội thất bởi được sản xuất dưới quy trình tiên tiến, có nhiều ưu điểm hơn so với các loại gỗ ép thông thường khác. Quá trình ép dưới áp suất và nhiệt độ cao sẽ giúp đảm bảo chất lượng gỗ và hoàn toàn an toàn với người sử dụng.
Lịch sử hình thành của gỗ Plywood
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì gỗ Plywood đã được đưa vào sử dụng từ khoảng 3500 năm trước. Tại Ai Cập người ta đã tìm thấy trong các lăng mộ cổ cho thấy sự xuất hiện của loại gỗ này.
Người Trung Quốc từ cách đây khoảng 1000 năm đã biết tới việc dán các tấm gỗ mỏng lại với nhau và sau đó gỗ Plywood cũng bắt đầu được sử dụng phổ biến ở các nước châu Âu.
Vào thế kỷ XVI người Anh đã chứng minh được rằng việc dán các tấm gỗ mỏng với nhau sẽ giúp cho sản phẩm đạt được độ bền lớn hơn nhiều so với việc sử dụng gỗ tự nhiên liền khối, đây là bước ngoặt lớn trong ngành sản xuất gỗ công nghiệp bởi từ đó các sản phẩm gỗ Plywood đá chính thức được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi cho tới tận ngày hôm nay.
Cấu tạo của gỗ Plywood
Các tấm gỗ tự nhiên sau khi được cắt có độ dày khoảng 1mm sẽ được ép lại với nhau. Một tấm gỗ Plywood được ghép từ nhiều tấm gỗ mỏng và giữa các lớp gỗ người ta cho keo chuyên dụng vào đồng thời một tấm gỗ Plywood sẽ phải trải qua quá trình ép dưới nhiệt độ cao và lực ép đủ lớn để gỗ có thể đạt được độ bền mong muốn.
Keo sử dụng để liên kết các lớp gỗ Plywood lại với nhau là keo Phenol và keo Formaldehyde. Nếu như keo Phenol có tác dụng tăng cường độ cứng và khả năng chống nước đồng thời giúp gỗ có bề mặt phẳng hơn thì keo Formaldehyde lại có tác dụng chống lại hiện tượng gỗ bị cong vênh hay co ngót, biến dạng sẽ xảy ra trong quá trình sử dụng gỗ. Do keo Formaldehyde là loại keo khá độc hại nên việc sử dụng keo này cũng có sự hạn chế bởi nó có khả năng gây hại cho người dùng, đặc biệt khi các sản phẩm làm từ gỗ Plywood xảy ra cháy.
Số lượng các tấm gỗ ép để tạo lên gỗ Plywood phải là số lẻ, tùy thuộc vào độ dày mà người ta sử dụng 3, 5, 7 hay 9 tấm gỗ ván để tạo thành 1 tấm gỗ Plywood hoàn chỉnh. Việc sử dụng số lẻ để tạo thành tấm gỗ Plywood để đảm bảo mỗi tấm gỗ Plywood khi ra đời đều có một lớp lõi nằm ở chính giữa giúp tăng cường độ bền cho sản phẩm.
2 tấm gỗ ngoài cùng của gỗ Plywood thường sẽ có xu hướng vân giống nhau để đảm bảo tính thẩm mỹ và các hướng vân cần được sắp xếp vuông góc để tăng khả năng chịu lực cũng như chống cong vênh, nứt gãy cho tấm gỗ. Ngày nay nhiều nơi chỉ sử dụng một tấm gỗ tự nhiên cho lớp ngoài cùng đồng thời phủ mội lớp sơn UV lên bề mặt để tăng độ bền, khả năng chống nước cho sản phẩm.
Ưu điểm của gỗ Plywood
Độ cứng và độ bền cao: do gỗ Plywood phải trải qua quá trình phun keo và phải chịu lực ép dưới nhiệt độ cao nhiều lần nên đây là loại gỗ được đánh giá có độ bền và độ cứng tương đối cao. Công nghệ hiện nay ngày càng phát triển chính vì vậy các sản phẩm gỗ Plywood trên thị trường có chất lượng ngày càng cao, được nhiều người sản xuất đồ nội thất yêu thích.
Khả năng chống nước cao: nếu so sánh thì gỗ Plywood cho khả năng chống nước hơn hẳn so với gỗ MDF - một trong những loại gỗ công nghiệp có khả năng chống ẩm khá tốt hiện nay. Bạn có thể cho 2 loại gỗ này cùng thả xuống nước, gỗ Plywood không dễ bị phồng và biến dạng nhiều ngư gỗ MDF.
Việc sử dụng các đồ nội thất có khả năng chống nước tốt vô cùng quan trọng bởi trong quá trình sử dụng chúng ta sẽ không tránh khỏi việc phải thường xuyên vệ sinh các đồ vật có trong nhà. Nếu như không để ý hoặc không có kiến thức nhất định bạn hoặc người thân sẽ dễ dàng sử dụng khăn ướt để lau dẫn tới ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đồ nội thất. Việc khí hậu ẩm ướt thường xuyên tại Việt Nam cũng được cho là kẻ thù của gỗ công nghiệp chính vì thế các sản phẩm đồ nội thất làm từ gỗ Plywood đang ngày càng được ưa chuộng trên thị trường.
Giá thành rẻ: do được làm từ các tấm gỗ tự nhiên mỏng nên gỗ Plywood khá dồi dào về mặt nguyên liệu đầu vào giúp cho giá thành của loại gỗ này tương đối rẻ, tuy nhiên giá của nó vẫn cao hơn gỗ MDF và gỗ MFC.
Nhược điểm của gỗ Plywood
Cạnh ván ép dễ bị sứt mẻ: đây là nhược điểm rất lớn của dòng gỗ Plywood. Các sản phẩm làm từ gỗ Plywood thường có các cạnh dễ bị sứt mẻ trong quá trình cắt hay sử dụng trong thời gian dài chính bởi vậy các sản phẩm nội thất làm từ gỗ Plywood hiện nay thường được bọc cạnh gỗ để tránh va chạm, gây mất thẩm mỹ.
Dễ cong vênh, tách lớp: việc sản xuất gỗ Plywood đòi hỏi máy móc tiên tiến, nhiều cơ sở sản xuất không đủ tiêu chuẩn chạy theo lợi nhuận đã ăn bớt công đoạn, quá trình ép gỗ không đúng quy cách hoặc sử dụng không đúng loiaj keo chuyên dụng dẫn đến chất lượng sản phẩm không đảm bảo. Các sản phẩm gỗ Plywood do đó cũng hay gặp các hiện tượng cong vênh, bề mặt hông bằng phẳng thậm chí là bị tách lớp nếu để trong môi trường có độ ẩm cao.
Màu sắc không đều: do gỗ Plywood được cấu tạo từ các tấm gỗ tự nhiên nên màu sắc của thành phẩm thường không đồng đều nhau như các loại gỗ MDF hay MFC chính vì thế đây không phải là loại gỗ lý tưởng để sản xuất các sản phẩm nội thất chính trong căn nhà mà thường làm các đồ trang trí như kệ gỗ, giá sách... hoặc các sản phẩm không cần bề mặt gỗ hoàn hảo.
Các loại gỗ Plywood
Gỗ Plywood có nhiều loại khác nhau, tùy thuộc vào chất liệu gỗ sử dụng để ép thành sản phẩm mà người ta phân Plywood thành các loại gỗ khác nhau. Chất liệu gỗ sử dụng để tạo lên gỗ Plywood cũng ảnh hưởng khá nhiều tới chất liệu thành phẩm vậy nên khi chọn lựa gỗ Plywood bạn nên lựa chọn cẩn thận.
Gỗ Plywood từ gỗ bạch dương
Gỗ Plywood ép từ gỗ bạch dương có phần lõi được tạo thành từ các loại gỗ trồng phổ biến trong rừng như gỗ keo, gỗ cây cao su, gỗ bạch đàn tuy nhiên 2 mặt bên ngoài sử dụng gỗ bạch dương. Gỗ Plywood ép từ bạch dương có khả năng chịu nước khá tốt tuy nhiên loại gỗ này có khả năng chịu nhiệt kém, không phù hợp sử dụng ở những nơi nóng ẩm bởi sẽ dễ gây ra hiện tượng phồng gỗ.
Một nhược điểm khác của gỗ Plywood bạch dương là không chịu được mối mọt chính vì thế các đồ nội thất làm từ chất liệu gỗ này gia chủ cần hết sức lưu ý, không nên để tại các nơi ẩm thấp bởi đây là môi trường hoàn hảo để mối mọt xâm nhập và phát triển.
Gỗ Plywood từ gỗ óc chó
Gỗ Plywood ép từ gỗ óc chó còn có tên gọi khác là Walnut Plywood, đây là loại gỗ với lõi cũng được sử dụng từ các loại cây trồng trong rừng và có 2 mặt ngoài cùng được sử dụng là gỗ óc chó. Do có bề mặt làm từ gỗ óc chó nên Plywood gỗ óc chó có những đường vân rất đẹp mắt. Độ dày của Plywood gỗ óc chó dao động từ 3mm cho tới 25mm và có khả năng chịu ẩm khá tốt. Tuy nhiên cũng giống như Plywood gỗ bạch dương, Plywood gỗ óc chó không có khả năng chống lại sự xâm nhập của mối mọt cũng như nhiệt độ cao.
Gỗ Plywood từ gỗ sồi trắng
Gỗ Plywood từ gỗ sồi trắng có 2 mặt bề ngoài làm từ gỗ sồi, đây là loại gỗ thường được sản xuất theo tiêu chuẩn của Mỹ với kích thước 1200mmx2400m. Gỗ Plywood gỗ sồi trắng có độ dày dao động từ 7mm cho tới 25mm và có khả năng chịu ẩm tốt hơn so với 2 loại gỗ Plywood phía trên, mặc dù khả năng chống mối mọt không cao tuy nhiên đây vẫn là loại gỗ bạn nên sử dụng cho các đồ nội thất trong gia đình.
Gỗ Plywood từ gỗ tần bì
Plywood từ gỗ tần bì có 2 mặt ngoài cùng làm từ gỗ tần bì, phần lõi bên trong cũng sử dụng các loại gỗ tương tự như các loại gỗ phía trên, điểm khác biệt duy nhất của Plywood gỗ tần bì là họa tiết hoa văn của nó.
Gỗ Plywood khác
Có rất nhiều loại gỗ Plywood khác nhau, tên gọi của nó tùy thuộc vào chất liệu gỗ 2 mặt của sản phẩm, mỗi loại gỗ lại có một số ưu - nhược điểm riêng tuy nhiên không đáng kể bởi tấm ván gỗ 2 mặt thường có độ dày tương đối nhỏ (~1mm). Khi lựa chọn gỗ Plywood bạn chỉ nên tập trung vào hoạt tiết hoa văn gỗ cấu thành lên nó.
Ứng dụng của gỗ Plywood
Có thể nói do gỗ Plywood là loại gỗ phổ thông, dễ dàng sản xuất với số lượng lớn nên nhiều cơ sở chế biến đồ gỗ hiện nay sử dụng loại gỗ này trong việc sản xuất ra các đồ nội thất, đây là chất liệu tuyệt vời để thay thế các loại gỗ tự nhiên khác đang dần cạn kiệt trong tự nhiên.
Bạn có thể bắt gặp các sản phẩm làm từ gỗ Plywood rất nhiều trong cuộc sống, phổ biến nhất là các khuôn đổ bê tông, giường tủ, kệ tivi, ghế sofa...